Theo truyền thống, Yoga chủ yếu không nhằm mục đích như là một phương pháp thực hành mang tính trị liệu hoặc như là một liệu pháp cho những người bị chấn thương hoặc mắc bệnh. Mà Yoga dành cho những người khỏe mạnh có quan tâm và có khả năng cải thiện sức khỏe tổng thể về thể chất cũng như tinh thần của họ.
Mặc dù Yoga không phải là liệu pháp vật lý hay tâm lý, nhưng nhiều bài tập Yoga có chứa các yếu tố trị liệu. Tuy vậy, Yoga chủ yếu là một truyền thống đi sâu vào tâm lý - tinh thần dẫn đến sự bình an và tự do nội tâm.
Trong xã hội phương Tây, Yoga ngày nay hầu như được phổ biến như một thói quen rèn luyện sức khỏe đã được chứng minh là mang lại hiệu quả cao và do đó ngày càng được nhiều người khám phá bộ môn này. Và khá nhiều học viên chuyển sang tập Yoga với mục đích trị liệu - có thể là để xoa dịu nỗi đau thể xác hoặc vượt qua những thách thức về tinh thần như căng thẳng hoặc lo âu. Nhưng thực chất Yoga trị liệu là gì? Và nó khác với yoga ‘thông thường’ như thế nào?
1. YOGA TRỊ LIỆU LÀ GÌ?
Liệu pháp Yoga hay Yoga trị liệu là một hình thức trị liệu áp dụng các phương pháp thực hành Yoga để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Trong khi Yoga nói chung có liên quan đến việc làm giảm căng thẳng, thì liệu pháp Yoga nói riêng có thể giúp điều trị một số tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Như vậy, Yoga thậm chí có thể được áp dụng cùng lúc kết hợp với các liệu pháp khác.
Hiệp hội các nhà trị liệu Yoga quốc tế (IAYT - International Association of Yoga Therapists), là hiệp hội chịu trách nhiệm chứng nhận các nhà trị liệu Yoga và công nhận các trường Yoga trị liệu, định nghĩa thuật ngữ Yoga trị liệu như sau:
“Yoga trị liệu là phương pháp chuyên nghiệp ứng dụng các nguyên tắc và thực hành Yoga để tăng cường sức khỏe và hạnh phúc tinh thần trong một mối quan hệ mang tính trị liệu, mà ở đó bao gồm phương pháp đánh giá được cá nhân hóa, thiết lập mục tiêu, quản lý lối sống và thực hành yoga cho cá nhân hoặc nhóm nhỏ”.
– Hiệp Hội Các Nhà Trị Liệu Yoga Quốc Tế.
Yoga trị liệu bao gồm các kỹ thuật và thực hành hỗ trợ cơ thể đối phó với các vấn đề thể chất như căng thẳng, đau nhức và ở một mức độ nhất định, bao gồm cả chấn thương. Mục đích là để giải phóng căng thẳng và giảm bớt cảm giác khó chịu cho cơ thể. Thay vì luyện tập các chuỗi bài mạnh mẽ, thì trọng tâm thực hành là các tư thế tĩnh. Những tư thế này nhắm vào các bộ phận và vùng cơ thể cụ thể để làm mạnh và kéo dài chúng nhằm đạt được lợi ích lâu dài và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Tóm lại, Yoga trị liệu nhằm mục đích phòng ngừa, chữa trị hoặc giảm nhẹ - tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân. Lý tưởng nhất thì Yoga trị liệu là một trải nghiệm truyền sức mạnh mang lại cho người thực hành ngày một tăng cảm giác hạnh phúc toàn diện.
2. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA YOGA TRỊ LIỆU VÀ YOGA
Mặc dù Yoga nói chung nhằm mục đích trị liệu và chữa lành, nhưng Yoga trị liệu sẽ nghiêng về việc sử dụng cụ thể các phương pháp thực hành Yoga nhằm giảm bớt đau đớn về thể chất, tinh thần và cảm xúc của người tập. Những công cụ này bao gồm mọi thứ từ các tư thế Yoga (Asana), các bài tập thở (Pranayama), thiền định và các bài tập thể chất và thực hành tỉnh thức khác.
Nếu bạn so sánh một lớp yoga trị liệu với lớp yoga bình thường của mình, thì chắc chắn bạn sẽ thấy có một số điểm trùng lặp. Tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt.
2.1. KHÁCH HÀNG YOGA TRỊ LIỆU VỚI HỌC VIÊN YOGA
Trong khi mục đích của một học viên 'thông thường' trong một lớp học Yoga 'thông thường' (lưu ý: Chúng tôi sử dụng từ 'thông thường' ở đây để phản ánh sự trái ngược với 'trị liệu') thường là để giữ sức khỏe và vóc dáng cân đối, tăng cường và duy trì sự linh hoạt, hoặc tìm sự cân bằng cho tinh thần và cảm xúc, thì một học viên trong lớp Yoga trị liệu sẽ muốn giải quyết các nhu cầu cụ thể về thể chất, tinh thần và/ hoặc cảm xúc.
Do đó, Yoga trị liệu có thể được định nghĩa cụ thể hơn đó là “quá trình trao truyền sức mạnh cho các cá nhân để tiến tới cải thiện sức khỏe và hạnh phúc tinh thần thông qua việc áp dụng các triết lý và thực hành yoga” (theo IAYT).
Trái ngược với học viên Yoga thông thường là những người thường có sức khỏe tốt, thì các khách hàng yoga trị liệu thường được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần. Ngoài các phương pháp tiếp cận y tế hoặc trị liệu tiềm năng khác, thì họ đang tìm kiếm các phương tiện bổ sung để giải quyết các vấn đề sức khỏe của mình.
Đây là lý do tại sao các nhà trị liệu Yoga thường dành nhiều thời gian để lắng nghe và quan sát khách hàng của họ trong quá trình luyện tập. Bằng cách này, họ có thể tìm ra các phương pháp khác nhau để giảm bớt các triệu chứng của khách hàng và cải thiện chức năng cơ thể của họ.
Có nghĩa là Yoga trị liệu bao gồm các kỹ thuật Yoga được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân khách hàng để họ có thể thực hành chúng một cách thuận tiện. Mục đích đằng sau cách tiếp cận này là mang lại cho học viên Yoga trị liệu cảm giác tự mình có thể chữa lành hiệu quả, tức là họ biết rằng họ kiểm soát được sự hồi phục của mình thay vì phó mặc cho tình trạng sức khỏe của họ cho những nơi khác hoặc người khác.
2.2. ĐẶT TRỌNG TÂM VÀO TÍNH TRỊ LIỆU
Bạn có thể đã nhận thấy rằng sự khác biệt giữa Yoga và Yoga trị liệu / liệu pháp yoga không phải lúc nào cũng rõ ràng. Bạn cũng có thể nghĩ rằng bất cứ lúc nào một người thực hành Yoga nhằm mục đích xoa diệu hoặc để vượt qua một tình trạng sức khỏe nào đó, thì họ sẽ thực hành Yoga trị liệu.
Điều này đúng ở một mức độ nào đó khi nhiều người thực hành Yoga tìm cách cải thiện sức mạnh, tính linh hoạt, sức khỏe & tinh thần tổng thể của họ. Ngày càng có nhiều người luyện tập Yoga vì họ hy vọng có thể kiểm soát hoặc cải thiện tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần cụ thể nào đó. Ngày nay, khi sự phổ biến của Yoga tăng lên ở tất cả các lục địa trên thế giới, thì người ta đã khẳng định rằng Yoga có thể mang lại những lợi ích trị liệu đáng kể.
Nhưng Yoga trị liệu không chỉ là một bài thực hành yoga ‘thông thường’. Liệu pháp Yoga áp dụng Yoga và các bài thực hành chánh niệm dựa trên nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra một phương pháp tiếp cận toàn diện, rõ ràng và hiệu quả để giúp thuyên giảm tình trạng sức khỏe khó khăn.
Mục đích của Yoga trị liệu là có được bức tranh đầy đủ về các triệu chứng của khách hàng, cái đã khiến họ gặp khó khăn và nhờ đó, xác định được các phương pháp Yoga phù hợp nhất để kiểm soát các triệu chứng này. Trong nhiều trường hợp, điều này thường đi cùng với các phương pháp điều trị bằng dược phẩm và/ hoặc các phương pháp điều trị khác.
Yoga trị liệu cũng nhằm mục đích truyền sức mạnh cho người thực hành vượt qua những thách thức về sức khỏe của họ bằng các phương tiện thực hành mà họ có thể dễ dàng kết hợp vào trong cuộc sống thường ngày của mình. Bằng cách này, người thực hành có được sự độc lập vì họ có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong việc tự chăm sóc bản thân.
2.3. CÁC KỸ NĂNG CỦA MỘT NHÀ TRỊ LIỆU YOGA
Nhà Trị liệu Yoga cần được đào tạo chuyên biệt và có các kỹ năng sâu rộng để có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa học viên Yoga trị liệu (thường được gọi là ‘khách hàng’) và giáo viên Yoga trị liệu (còn được gọi là ‘nhà trị liệu Yoga’). Điều này rất cần thiết để tạo ra những thay đổi tích cực cho khách hàng.
Hơn nữa, Yoga trị liệu kết hợp những kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau: từ nghiên cứu hiện đại trong giải phẫu học và sinh lý học cho đến các nghiên cứu y học, tâm lý học và Yoga.
Ở đây phải nói thêm rằng Yoga, trái với suy nghĩ thông thường, không hẳn phù hợp với tất cả mọi người. Hay cụ thể hơn: Không phải cách thực hành Yoga nào cũng phù hợp với tất cả mọi người.
Sự thật là nhiều tư thế Yoga được dạy trong các lớp học yoga thông thường chống chỉ định cho những người có vấn đề về sức khỏe như cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, hen suyễn, hoặc các bệnh tự miễn dịch. Điều tương tự cũng xảy ra đối với những người thực hành Yoga mắc các chứng bệnh về thể chất như mất cân bằng tư thế nghiêm trọng, cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, loạn sản xương hông và những bệnh khác.
Hơn nữa, yoga cũng có thể phản tác dụng đối với những người mắc các bệnh tâm thần như rối loạn ăn uống, trầm cảm lâm sàng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD - Posttraumatic Stress Disorder) và rối loạn hoảng sợ nếu người giáo viên không được đào tạo đầy đủ.
Đây là lý do tại sao nhà trị liệu Yoga cần phải có kiến thức vững chắc về Y học hiện đại và hiểu biết về chấn thương tâm lý để đáp ứng nhu cầu trị liệu Yoga của học viên một cách an toàn và hiệu quả. Trong một số trường hợp, thậm chí có thể nên hợp tác với những người hành nghề y tế khác để liên tục phát triển Yoga trị liệu như một hình thức điều trị bổ sung, an toàn và thích nghi.
2.4. ỨNG DỤNG CỦA YOGA TRỊ LIỆU
Với những hiểu biết mới và cập nhật thường xuyên liên quan đến các phương pháp điều trị y tế mới, thì Yoga trị liệu cũng cần liên tục phát triển và thích ứng theo. Ví dụ, các tư thế yoga đảo ngược từ lâu đã được coi là những Asana quan trọng nhất vì chúng được cho là có lợi cho não bộ để chuẩn bị cho thiền định. Nhờ những nghiên cứu và hiểu biết về y học hiện đại, mà ngày nay chúng ta biết rằng sự đảo ngược có thể gây ra đột quỵ ở những người có khuynh hướng mắc các bệnh tim mạch.
Ngược lại, các tư thế đảo ngược từ lâu đã được chống chỉ định đối với phụ nữ đang hành kinh vì người ta cho rằng máu từ tử cung có thể xâm nhập vào các cơ quan khác. Không cần phải nói rằng điều này cũng đã được chứng minh là sai.
Đây là lý do tại sao Yoga trị liệu (và - nói thẳng ra - BẤT CỨ phương pháp thực hành Yoga nào) đòi hỏi một bộ kỹ năng phát triển nâng cao bao gồm những kiến thức về nhiều loại chống chỉ định, các điều chỉnh và các biến thể cần được thực hiện khi làm việc với khách hàng có nhu cầu đặc biệt như, ví dụ, béo phì, huyết áp cao, bệnh nhân tiểu đường, thoát vị đĩa đệm và các vấn đề về lưng khác, hoặc tiền sử bệnh tim.
Thêm vào đó, Yoga trị liệu cũng cần có sự hiểu biết về chấn thương tâm lý và nhạy cảm với chấn thương dựa trên công trình nghiên cứu của Bessel van der Kolk và các chuyên gia khác trong lĩnh vực này. Đây là lý do tại sao Yoga trị liệu cũng có thể được áp dụng như một phương pháp điều trị bổ sung trong liệu pháp điều trị sang chấn tâm lý và để tiếp cận các bệnh tâm lý và tâm thần-tâm thể như trầm cảm, lo âu và rối loạn hoảng sợ hoặc rối loạn ăn uống.
3. MỘT NHÀ YOGA TRỊ LIỆU SẼ LÀM GÌ?
Như đã đề cập ở trên, có một số sự trùng lặp trong công việc của giáo viên yoga và nhà trị liệu yoga, nhưng mỗi người có một trọng tâm khác nhau và có một bộ kỹ năng cụ thể.
3.1. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐƯỢC THIẾT KẾ RIÊNG BIỆT
Trong khi các giáo viên Yoga thường hướng đến việc mang lại trải nghiệm Yoga tổng thể cho học viên của họ, thì các nhà trị liệu Yoga nhắm vào các vấn đề cụ thể của khách hàng và hỗ trợ họ bằng các kỹ thuật được thiết kế riêng biệt để có những hỗ trợ cụ thể cho sức khỏe thể chất, cảm xúc và/ hoặc tâm lý của khách hàng.
Giáo viên Yoga trị liệu cần được đào tạo và thực hiện các công việc phục vụ học thuật một cách bài bản và sâu hơn để có được kiến thức y khoa và kỹ năng trị liệu tâm lý cần thiết để đáp ứng các nhu cầu sức khỏe khác nhau của mọi người và cung cấp các kỹ thuật Yoga phù hợp với tình trạng sức khỏe của khách hàng.
3.2. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ VÀ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC CÁ NHÂN HÓA
Mặc dù Yoga trị liệu có thể được áp dụng trong một nhóm hoặc riêng lẻ, nhưng có một số bước cơ bản mà bất kỳ nhà trị liệu yoga nào cũng cần phải tuân theo. Thông thường, một nhà trị liệu yoga sẽ bắt đầu bằng cách đánh giá tình trạng sức khỏe của khách hàng để thiết kế một chương trình nhằm giảm bớt các triệu chứng cụ thể của họ. Sau đó, nhà trị liệu sẽ thiết lập một kế hoạch điều trị dành riêng cho từng cá nhân và tùy thuộc vào phản ứng của khách hàng, mà nó có thể được sửa đổi khi quá trình điều trị tiến triển.
Điều này có nghĩa là các nhà trị liệu Yoga phải hiểu lý do tại sao khách hàng của họ đến với mình và quyết định những gì mà nhà trị liệu có thể làm để giúp đỡ khách hàng. Đây là lý do tại sao mà các nhà trị liệu yoga cũng nên được đào tạo các kỹ năng lắng nghe, đặt câu hỏi, quan sát và chạm để đánh giá khách hàng theo cách tốt nhất có thể.
3.3. ĐÀO TẠO VÀ CÁC PHẨM CHẤT TOÀN DIỆN
Ngoài ra, trái ngược với các giáo viên yoga ‘thông thường’, những giáo viên tiếp cận Yoga trị liệu sẽ được hưởng lợi từ việc được đào tạo một cách toàn diện hơn để tránh các biến chứng sức khỏe trong suốt quá trình điều trị và nhận thức được các chống chỉ định có khả năng xảy ra.
Do đó, một nhà trị liệu Yoga đủ điều kiện sẽ phải hoàn thành khóa đào tạo đặc biệt để phát triển các kỹ năng cần thiết như:
Khả năng đọc và hiểu các chẩn đoán y tế;
Kiến thức về một loạt các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần và các chống chỉ định liên quan;
Hiểu biết cơ bản về các triệu chứng điển hình, thậm chí có thể tùy thuộc vào tình trạng bệnh hiện tại của khách hàng;
Nhận thức về tác dụng của thuốc và kết quả là các chống chỉ định tiềm năng sẽ xảy ra;
Hiểu biết toàn diện về vai trò của các chuyên gia y tế khác để giới thiệu khách hàng khi họ cần hỗ trợ thêm;
Nhận thức về những hạn chế trong công việc của họ với tư cách là một nhà trị liệu yoga, tức là họ phải xem xét liệu họ có đủ trình độ để giải quyết các khía cạnh của một tình trạng nhất định hay không; và dĩ nhiên;
Kiến thức về thực hành và kỹ thuật yoga cũng như ứng dụng của chúng đối với một chẩn đoán cụ thể.
(HẾT PHẦN 1)
Theo TintYoga.com. Yogadaily dịch
HIỆN NAY, ĐIỀU KIỆN ĐỂ THAM GIA MỘT KHÓA HỌC ĐÀO TẠO NHÀ TRỊ LIỆU YOGA ĐƯỢC CÔNG NHẬN BỞI HIỆP HỘI CÁC NHÀ TRỊ LIỆU YOGA QUỐC TẾ LÀ:
HOÀN TẤT ÍT NHẤT 200H KHÓA HỌC HUẤN LUYỆN VIÊN YOGA ĐẦU TIÊN VỚI NỀN TẢNG KIẾN THỨC VỮNG VÀNG CỦA GIẢI PHẪU HỌC, ĐỊNH TUYẾN, TRIẾT LÝ YOGA, PHƯƠNG PHÁP DẠY YOGA CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG BÌNH THƯỜNG.
Xem tiếp phần 2: Yoga trị liệu