Bạn có thể đã nghe nói rằng cảm xúc được lưu giữ ở vùng hông. Nhưng điều này xảy ra như thế nào và làm thế nào chúng ta có thể giải phóng chúng?
Đã bao nhiêu lần bạn nghe thấy cụm từ “cảm xúc được lưu giữ tại hông” trong một lớp học Yoga? Tôi sẵn sàng đoán rằng: rất nhiều! Bạn thậm chí có thể đã trải qua việc giải tỏa nỗi buồn, sự sợ hãi, thất vọng, lo lắng, tức giận ... khi giữ lâu trong tư thế Bồ câu hoặc tư thế Mặt bò.
Nhưng tại sao? Điều gì ở hông mà có thể là nơi đặc biệt tích lũy được nguồn cảm xúc sâu sắc như vậy? Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét cách hông có thể trở nên "căng" như thế nào và lý do tại sao…
Hông "cứng" là gì và nguyên nhân gây ra hiện tượng này?
"Hông cứng" là một thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả sự căng thẳng hoặc thậm chí đau lan tỏa xuống phía trên, phía trước hoặc hai bên của chân mà bạn cảm giác như thể có thứ gì đó quá co ngắn và sẽ không bao giờ nới lỏng hoặc kéo dài ra được.
Trong các nền văn hóa phương Tây, cứng hông là điều phổ biến. Điều này một phần là do chúng ta ngồi ghế quá nhiều, thay vì thường xuyên ngồi trên sàn như nhiều nền văn hóa phương Đông. Nhưng cho dù chúng ta đang ngồi, đứng, đi bộ hay chạy, chân của chúng ta luôn hoạt động để nâng đỡ phần trên của chúng ta và nỗ lực liên tục này có thể khiến cơ hông bị căng mãn tính.
Sự căng cứng thể chất ở hông đã trở thành hiện tượng bình thường. Và cùng với nó là khả năng cảm xúc bị mắc kẹt bên trong ngày càng gia tăng
Cụm từ “Mở hông”
Trước khi chúng ta tìm hiểu sâu hơn, tôi muốn làm rõ ý nghĩa từ "mở hông" - một thuật ngữ khác mà bạn có thể đã nghe rất nhiều trong Yoga. ‘Mở hông’ đôi khi gây khó hiểu; nó thường được ngụ ý rằng hông của chúng ta mở ra giống như một cánh cửa hoặc một cuốn sách, điều này cho thấy phạm vi chuyển động của chúng ta bị giới hạn ở mức độ rộng mà chúng ta có thể dạng chân. Trên thực tế, hông là bộ khớp chỏm - ổ cối, có nghĩa là bộ khớp có thể thực hiện động tác xoay tròn (xoay ra và xoay vô), tức là di chuyển theo hình tròn. Vì vậy, hành động 'mở hông của chúng ta' thực sự có nghĩa là tạo ra khả năng di chuyển theo mọi hướng bao gồm cả xoay ra, xoay vô, dạng và khép nữa.
Điều gì ảnh hưởng đến phạm vi chuyển động của chúng ta?
Có hai yếu tố vật lý có thể hạn chế phạm vi chuyển động của chúng ta hoặc ảnh hưởng đến cách "mở" hông của chúng ta, đó là:
- Tính linh hoạt - của cơ, gân và mạc cơ trong và xung quanh khớp. Ở một mức độ nào đó, các tư thế Yoga có thể làm tăng điều này.
- Sự khác biệt về xương – có một giới hạn không thể thay đổi được đối với phạm vi chuyển động của chúng ta trong mọi tư thế. Xương sẽ không di chuyển qua xương cho dù chúng ta có tập Yoga nhiều đến bao nhiêu đi chăng nữa.
Bộ xương của mọi người rất khác nhau về chiều rộng, về góc của xương chậu và xương đùi cũng như cách chúng phối hợp với nhau cũng rất khác biệt. Độ xoay ra ngoài đối với một người là rộng thì lại là hẹp đối với người khác. Tư thế Chim bồ câu của bạn trông hoàn toàn khác với tư thế của tôi – và nó phải như vậy. Cơ thể của chúng ta cũng không đối xứng - hãy nghĩ về số lần mà chúng ta luyện tập ở một bên thường sẽ thấy ‘dễ dàng’ hơn trong tư thế so với phía bên kia.
Cảm xúc bị mắc kẹt như thế nào
Khi tức giận, căng thẳng, bị đe dọa, sợ hãi hoặc thậm chí ngạc nhiên, chúng ta thường - trong vô thức - siết chặt quai hàm hoặc nắm chặt tay. Chúng ta vận động hông để chuyển động (bỏ chạy) hoặc chiến đấu, hoặc chúng ta cúi người về phía trước và nâng cao đầu gối để bảo vệ bộ phận trung tâm của chúng ta. Sự siết chặt và nghiến này thậm chí là phản ứng tự nhiên của chúng ta ngay cả khi ai đó chọc cù lét!
Hãy xem bất kỳ đứa trẻ mới biết đi nào; khi chúng buồn, tức giận hoặc thất vọng, chúng cuộn tròn và khóc. Người lớn cũng làm như vậy khi chúng ta nhận được tin xấu (mặc dù ta có thể không làm điều đó một cách ồn ào hoặc công khai). Kích hoạt cơ gập hông để về tư thế bào thai là một hành động phản xạ vốn có.
Bất kể mối đe dọa có là thật hay có nghiêm trọng (hay không) hay độ kịch tích được nhận thức như thế nào, thì sẽ có phản xạ kéo đầu gối vào, bắt đầu từ hông. Và khi các cơ siết lại, chúng sẽ co ngắn lại. Nếu sự căng thẳng không bao giờ được giải phóng trọn vẹn, thì không chỉ sự căng thẳng của cơ bắp cũng bị mắc kẹt – mà cảm xúc sâu sắc, được nhận thức cũng bị mắc kẹt theo.
Trong trường hợp hông căng thẳng về thể chất, não của chúng ta sẽ chiết xuất các chất hóa học để thông báo cho hệ thần kinh. Phần tồn dư của tiến trình này nếu chưa được giải phóng hoàn toàn, chính là cảm xúc được lưu trữ lại - trong hông.
Giải tỏa căng thẳng về thể chất và cảm xúc
Tập trung luyện tập trên các mô sâu trong các tư thế tập trung vào hông, chẳng hạn như tư thế Bồ câu đơn và Bồ câu đôi có thể giải phóng căng thẳng cả về thể chất và cảm xúc. Ở cấp độ thể chất, điều này có thể giúp giải tỏa cột sống và chân, tăng khả năng vận động và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Kéo căng cơ hông tạo ra sự giải phóng; những cảm xúc dồn nén có thể trỗi dậy, những ký ức bị đè nén có thể nảy sinh, sự căng thẳng trong vô thức vẫn còn tồn tại sau một sự kiện đau buồn nào đó có thể bùng lên. Tất cả những điều đó có thể dẫn đến những giọt nước mắt dường như không thể giải thích được. Vì vậy, cùng với việc "mở hông", có vẻ như chúng ta đang mở chiếc hộp của Pandora ra.
Các giáo viên của Yin Yoga của tôi nói rằng một trong những mục đích chính của việc luyện tập là dạy cho chúng ta học cách trở nên thoải mái với sự khó chịu. Thực hành các tư thế tập trung vào hông có thể thực sự khiến chúng ta cảm thấy như mình đang mở chiếc hộp của Pandora. Nhưng nếu chúng ta tiếp cận việc thực hành với sự chấp nhận, hiện diện trọn vẹn và bình tâm, thì những lợi ích của việc thực hành sẽ vượt trội hơn bất kỳ sự khó chịu ngắn ngủi nào mà chúng ta có thể gặp phải.
Chuỗi Yoga chuyển động chậm cho hông
Chuỗi Yoga chuyển động chậm này sẽ tập trung vào hông với sự kết hợp giữa chuyển động và giữ tư thế. Một loạt các asana nhẹ nhàng sẽ làm ấm và kết nối cơ thể bạn, vì vậy bạn sẽ cảm thấy thư giãn, cởi mở và tràn đầy sức sống sau khi luyện tập. Bắt đầu dần dần tiến sâu hơn một chút vào các tư thế, bạn sẽ kết thúc bằng một tư thế Savasana trọn vẹn vào cuối giờ học.
Nguồn: EkhartYoga (Yogadaily dịch & biên tập nội dung)
Hình ảnh: HLV Trần Thư - Học viện Yogadaily
Có thể bạn quan tâm:
Tất tần tật về khóa đào tạo huấn luyện viên yoga
Thời điểm tốt nhất để học huấn luyện viên yoga